Trong 4 loại trà Ô Long nổi tiếng, có lẽ Phượng Hoàng Đơn Tùng là loại Ô Long phức tạp nhất.  Phượng Hoàng Đơn Tùng có phẩm chủng hương hình phong phú, với hơn 30 loại Đơn Tùng phổ biến, và vô số tên trà, một số tương tự nhau, một số lại hoàn toàn khác biệt. Mỗi loại trà lại có hương thơm, tư vị mạnh yếu, hương vận thay đổi vô tận theo các mùa, khí hậu hàng năm. Chỉ xét riêng về hương thơm, Đơn Tùng có hương thơm đặc trưng, thanh cao và đầy đặn, có loại có hương mật cổ điển, có loại lại có vần núi non, có loại có hương linh sam, lại có loại hương hoa lan, hoa nhài, hoa quế, vừa rực rỡ, vừa bí ẩn.

Rất nhiều học giả về trà, người yêu trà đã cố gắng phân loại, đặt tên Phượng Hoàng Đơn Tùng. Một số phân loại theo giống cây, tuổi cây, hình dáng lá trà, địa danh vùng trồng, hay tên lịch sử của từng loại trà. Trong bài này, Công phu Trà giới thiệu một cách phân loại theo mùi hương, gọi là Thập đại hương hình của Đơn Tùng.

Sau đây là 10 nhóm hương chính của Đơn Tùng:

1. Hoàng Chi Hương (Huang Zhi Xiang)

Hoàng Chi Hương có hương thơm tự nhiên của hoa dành dành. Hương thơm kéo dài và lan toả. Hoàng Chi Hương là một trong những loại trà có hương thơm mạnh mẽ và đặc biệt nhất trong các loại trà Phượng Hoàng Đơn Tùng.

Hoàng Chi Hương là nhóm hương phổ biến nhất của Đơn Tùng. Một số giống Đơn Tùng thuộc nhóm mùi hương Hoàng Chi Hương là: Tống Chủng Hoàng Chi Hương, Đại Bạch Diệp, Lão Tiên Công, Áp Thỉ Hương.

2. Chi Lan Hương (Zhi Lan Xiang)

Chi Lan Hương là nhóm mùi hương trái cây và hoa mộc tê, trong hương thơm có vị ngọt trong trẻo và dai dẳng. Loại Đơn Tùng đại diện cho nhóm mùi hương này là Đơn Tùng Bát Tiên – nổi trội với hương thơm hoa mộc tê, và Đơn Tùng Trúc Diệp, có hương thơm thanh cao, sắc nét, vị béo nhẹ quyến rũ.

Một tiểu loại của nó có tên là “Bát Tiên Quá Hải” rất nổi tiếng. Chuyện kể rằng cách đây 100 năm, một trà sư tìm được một giống cây trà tốt, ông bẻ cành mang về trồng. Kết quả là chỉ có 8 cây sống sót. Do đó, người ta gọi nó là “Bát tiên vượt biển”.

3. Mật Lan Hương (Mi Lan Xiang)

Mật Lan Hương có mùi thơm như mật ong và hoa lan. Nước trà có hương thơm ngọt ngào, thanh lịch, lâu dài. Trà Đơn Tùng Mật Lan Hương là một loại trà Đơn Tùng phổ biến và dễ tiếp cận của dòng Phượng Hoàng Đơn Tùng, vì giống cây này được trồng khá rộng rãi tại núi Phượng Hoàng, cây trà cho năng suất cao và giá thành khá rẻ.

4. Quế Hoa Hương (Gui Hua Xiang)

Quế Hoa Hương vốn là một cây đơn tùng cổ thụ hơn 600 năm tuổi, được trồng bởi các nhà sư của một ngôi chùa địa phương vào đầu thời nhà Thanh. Mùa hè năm 1958, người trồng trà ở đây thấy cây trà này đang bị chết dần. Họ đã giâm cành để ươm, nỗ lực bảo quản giống cây trà thơm này. Vì thế, các sản phẩm trà Đơn Tùng Quế Hoa Hương đều là các cây trà trẻ.

Đơn Tùng Quế Hoa Hương có mặt trà khô là những chiếc lá cuộn chặt, có màu vàng đậm. Nước trà có màu cam sáng, tỏa ra mùi thơm hoa mộc tê tự nhiên, đậm đà và trang nhã, vị ngọt hậu dễ chịu.

5. Ngọc Lan Hương (Yu Lan Xiang)

Ngọc Lan Hương có hương thơm tinh tế tự nhiên của hoa mộc lan và hương trái cây vừa chín. Hương thơm rất phong phú và lâu dài. Ngọc Lan Hương là một cây con từ giống cây Thuỷ Tiên. Giống cây này có chất lượng cao, tạo ra trà Đơn Tùng Ngọc Lan Hương rất thơm ngon, ngay cả khi trồng ở độ cao thấp. Lá trà khô xoắn nhẹ. Nước trà có màu vàng tươi, vị ngọt nhẹ nhàng và hoàn toàn không đắng.

6. Khương Hoa Hương (Jiang Hua Xiang)

Khương Hoa Hương (hoa gừng) là một loài Đơn Tùng có nước trà ngọt thanh mát, cùng vị cay nhẹ của gừng. Hương thơm bay cao và lan toả. Một loại Đơn Tùng đại diện đặc trưng cho dòng hương này là Thông Thiên Hương, nghĩa là hương thơm bay cao tận trời, là một dòng Đặc Cấp của Khương Hoa Hương.

Nước trà Khương Hoa Hương có mùi thơm hoa, cay nhẹ của gừng, và có màu vàng tươi sáng. Trà phẩm cao sẽ có trà khí, và hậu vần rất mạnh.

7. Diệp Lai Hương (Ye Lai Xiang)

Diệp Lai Hương có mùi thơm tự nhiên của hoa huệ. Hương thơm đậm đà và dai dẳng, vị ngọt đậm và sâu. Trà vẫn giữ hương thơm nồng đượm sau rất nhiều lần pha.

8. Mộc Lỵ Hương (Mo Li Xiang)

Mộc Lỵ Hương có hương thơm hoa nhài tự nhiên, thanh khiết. Nước trà có màu vàng sáng, hương vị đậm đà, êm dịu. Hương hoa nhài trong trà rất tinh tế, không như những loại trà ướp hương. Một số người đã quen với việc uống trà hoa nhài ướp hương, sẽ bất ngờ với hương nhài tinh tế và sâu lắng trong nước trà Đơn Tùng Mộc Lỵ Hương.

9. Hạnh Nhân Hương (Xing Ren Xiang)

Hạnh Nhân Hương là một loại Đơn Tùng có mùi thơm tinh khiết như hoa hạnh. Mặt trà khô có lá cuộn chặt. Trà có vị ngọt, mềm mịn, dư vị mạnh mẽ.

10. Nhục Quế Hương (Rou Gui Xiang)

Nhục Quế Hương có hương vị ngọt, hơi cay và hăng, trà khí mạnh mẽ, tương tự như vị quế thảo dược. Nước trà có màu cam sáng. Đơn Tùng Nhục Quế và Vũ Di Nhục Quế có khá nhiều điểm tương đồng, nhưng Đơn Tùng Nhục Quế thường có vị mềm mại hơn. Trà có thể pha được rất nhiều nước.